Home/Góc phụ huynh/Kỹ năng nuôi dạy trẻ/Vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ mầm non

Kỹ năng nuôi dạy trẻ

Trường mầm non Hoa Sen

Vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ mầm non

mnhoasen 13/11/2019 Lượt xem: 29


Trẻ mầm non là giai đoạn đang lớn và đang phát triển, chế độ dinh dưỡng cho trẻ MN có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất và trí tuệ. Đây là giai đoạn tiền đề có yếu tố quyết định rất lớn đến toàn bộ sự phát triển chung của trẻ khi trưởng thành.

Trẻ lứa tuổi mầm non não bộ và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ, ngoài việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng trẻ cũng cần rất nhiều năng lượng để đảm bảo các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ ở trường. Chính vì thế mà việc đảm bảo cho trẻ được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị năng lượng của trẻ là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác CS-ND trẻ tại các cơ sở GDMN .

  1. Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ… Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, magie,…

       2Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng

Khi thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ chậm lớn, còi cọc, biếng ăn hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Chẳng hạn:

+ Thiếu vitamin A gây nên bệnh khô mắt, nặng có thể dẫn đên mù lòa, gây tổn thương các tế bào biểu mô, làm giảm sút sức đề kháng đối với sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, thiếu vitamin A còn làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa.

+ Thiếu vitamin D, canxi dẫn đến bệnh còi xương, loãng xương.

+ Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, trẻ kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ, da xanh, niêm mạc nhợt… Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn.

+ Thiếu kẽm làm tăng nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Vi chất dinh dưỡng là thành phần không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng và lại dễ bị thiếu trong chế độ ăn hằng ngày. Nếu trẻ bị thiếu hụt những vi chất này thì sức đề kháng suy yếu làm trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, chậm phát triển, gây ra hâu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Chính vì thế mà chúng ta cần làm tốt những biện pháp phòng chống thiếu vi chất cho trẻ để góp phần giúp trẻ phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

       3. Một số biện pháp phòng thiếu vi chất cho trẻ mầm non

Biện pháp 1: Chú trọng việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ sao cho khẩu phần ăn của trẻ  cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng.

– Giải pháp lâu dài và cơ bản, có tính bền vững cao là cải thiện chất lượng bữa ăn sao cho khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng. Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Trường mầm non cần xây dựng chế độ ăn của trẻ đảm bảo đầy đủ, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho trẻ trong thời gian trẻ ở trường,…

– Cho trẻ ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày (10-15 loại thực phẩm). Không bắt trẻ ăn kiêng khem khi trẻ bị bệnh.

– Ngoài ra, nhà trường cũng đã quan tâm bổ sung sữa vào các bữa ăn sáng của trẻ nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ vì trong sữa có chứa rất nhiều vi chất rất tốt cho sự phát triển của trẻ.

Biện pháp 2: Lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, an toàn cho trẻ. Tăng cường bổ sung các vi chất trong các bữa ăn của trẻ.

– Lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn hàng ngày ngoài việc chú ý đến các thực phẩm tươi ngon, an toàn cho trẻ thì nhà trường cũng đã quan tâm đến việc bổ sung các vi chất cho trẻ như: thực phẩm giàu vitamin, thực phẩm giàu chất sắt; thực phẩm giàu sắt; thực phẩm giàu chất kẽm; thực phẩm giàu canxi,…

Biện pháp 3: Bảo quản, lưu trữ và chế biến thực phẩm đúng cách để đảm bảo các vi chất cho trẻ.

– Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, việc chế biến và lưu trữ thực phẩm không đúng cách như: rau bị héo, trái cây không còn tươi, gạo được xay xát kỹ, thức ăn nấu quá lâu,… làm mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất. Nên để cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể trẻ, chúng ta có thể lựa chọn các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các vi chất thiết yếu như: sắt, kẽm, canxi và các Vitamin,… Không chỉ cung cấp các vi chất mà các sản phẩm này còn tăng cường chức năng tiêu hóa và sức đề kháng cho trẻ – giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, phát triển khỏe mạnh.

– Tăng cường sử dụng dầu, mỡ trong chế biến thức ăn cho trẻ. Vì dầu, mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A, D trong cơ thể.

– Thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn và cách phối hợp các thực phẩm an toàn không gây hại đối với trẻ.

  Biện pháp 4: Tăng cường cho trẻ được tắm nắng, được vận động

Để phòng bệnh còi xương ở trẻ, nhà trường cũng đã duy trì hoạt động thể dục sáng, hoạt động dạo chơi ngoài trời để tạo điều kiện cho trẻ được vận động, được tắm nắng, được hít thở không khí trong lành. Tắm nắng giúp cơ thể trẻ dễ dàng tổng hợp vitamin D, tăng khả năng hấp thu canxi và vận chuyển canxi trong cơ thể.

Đối với trẻ, tắm nắng sẽ giúp phát triển xương, tăng trưởng chiều cao, ngăn ngừa bệnh vàng da. Tắm nắng còn giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật tốt hơn.

Biện pháp 5: Phối hợp với cha mẹ trẻ, các đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiếu vi chất cho trẻ

– Làm tốt công tác tuyên truyền, phối kết hợp với cha mẹ trẻ trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ ở gia đình.

– Thực hiện cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống nhiễm giun.

– Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm;

– Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ.

– Với những trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, thấp còi, những trẻ có thói quen không thích ăn rau, trái cây, thịt cá,…ngoài việc tăng cường các vi chất trong bữa ăn của trẻ nên cho trẻ uống bổ sung một số sản phẩm bổ sung vi chất kẽm, canxi, sắt, các Vitamin…